Ăn quá ít cơm: Nguy cơ bệnh tim, đột quỵ gia tăng!

Một nghiên cứu mới cảnh báo chế độ ăn low-carb, tức hạn chế tinh bột từ cơm, bánh mì, mì ống, khoai tây… có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, là tình trạng dễ dẫn đến đột quỵ.

Nghiên cứu vừa được trình bày tại hội nghị quốc tế do Đại học Tim mạch Mỹ tổ chức. Tác giả chính – tiến sĩ Xiaodong Zhuang từ Đại học Trung Sơn (Quảng Châu - Trung Quốc) và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu từ 14.000 tình nguyện viên tại Mỹ, là những người có trái tim hoàn toàn khỏe mạnh khi bắt đầu được theo dõi sức khỏe.
Sau 22 năm, có 1.900 tình nguyện viên đã phát triển chứng rung tâm nhĩ, một hình thức rối loạn nhịp tim phổ biến. Khi chia họ thành các nhóm dựa trên chế độ ăn uống để so sánh, các nhà khoa học phát hiện những người mà carbohydrate chỉ chiếm khoảng 45% lượng calo tiêu thụ hàng ngày có nguy cơ bị rung tâm nhĩ cao hơn tới 18% so với những người mà carbohydrate chiếm từ 45% - 52% lượng calo tiêu thụ.
So sánh với nhóm "ghiền cơm", tức ăn quá nhiều carbohydrate (trên 52%), nhóm ăn low-carb có nguy cơ bị rung tâm nhĩ cao hơn 16%.
Trong khi đó, rung tâm nhĩ và các dạng rối loạn nhịp tim khác đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ đột quỵ đến 5 lần, chưa kể dễ dẫn tới tình trạng suy tim.
Qua phân tích, các nhà nghiên cứu tin rằng lý do chủ yếu dẫn tới vấn đề trên là lượng protein và chất béo gia tăng trong khẩu phần của những người ăn low-carb. Nếu loại protein họ hay chọn là thịt đỏ và chất béo là chất béo bão hòa, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch càng tăng cao.
Vào tháng 8-2018, một nghiên cứu khác từ Đại học Harvard (Mỹ) từng đưa ra lời cảnh báo đối với những người ăn low-carb, khi chứng minh chế độ ăn ít hơn 40% hay nhiều hơn 65% carbohydrate trong khẩu phần đều dễ dẫn đến cái chết sớm. Trong đó, nhóm ăn dưới 40% chết sớm hơn nhóm ăn trên 65% từ 1,2 - 2,9 năm. Nhóm nghiên cứu này khuyến cáo mọi người rằng nếu muốn giảm cân, hãy ăn với lượng tổng thể ít đi, ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây thay vì ăn low-carb.

Bài đăng phổ biến

Được tạo bởi Blogger.